Vua Mèo là ai ?

Vua Mèo là ai ?

Tìm về lịch sử của người Mông ở Hà Giang gần một trăm năm trước, có dòng họ Vương dân tộc Mông tài trí hơn người đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn với 7 vạn dân này và tự xưng vương. Người Mông vẫn thường gọi là vua Mèo, với sức mạnh và quyền lực của mình, vua Mèo đã nhanh chóng trở nên giàu có nhờ những hoạt động trồng, chế biến và sản xuất hoa anh túc thành thuốc phiện cùng hoạt động giao thương với các thương nhân Miến Điện, thương nhân ở Côn Minh, Trung Quốc và sau đó là các thương nhân Pháp. Món hàng đặc biệt này đã quy đổi mang lại vàng bạc số lượng lớn cho “vua Mèo”. Chính vì vậy ngay từ khi ấy, ông đã cho xây một kho để chứa vàng rộng đến 6m2 bằng đá phiến. Kho vàng đặt ở nơi chỉ người thân của “vua Mèo” được phép qua lại, quây thành quách bằng đá phiến kiên cố, vững chắc. Ông là Vương Chính Đức sinh năm 1865 mất năm 1947. Người duy nhất được mệnh danh là “vua Mèo”. Còn tất cả những người thế hệ con cháu người thân ông không được phong là “vua Mèo” nữa. ( Nhiều khách đi du lịch Hà Giang vẫn nhầm Vua Mèo là Vương Chí Sình)

Vua Mèo Vương Chính Đức

Trước năm 1945, tuy bị sức ép từ nhiều phía, các bên ép làm thân nhưng Vương Chính Đức muốn xây dựng Đồng Văn thành một vương quốc tự trị của người Mông, không theo Pháp cũng không theo Tưởng Giới Thạch. Các phe đối lập cũng không dám lật đổ Vương, bởi chỉ có Vương mới quy phục được cư dân ở vùng này. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông lên Hà Nội gặp mặt nhưng do tuổi đã cao nên ông cử con trái thứ hai là Vương Chí Sình đi thay.

Vương Chí Sình, con trai thứ của vua Mèo Vương Chính Đức

Sau đó Vương Chí Sình làm việc cho chính phủ Hồ Chí Minh. Khi Pháp – Nhật xâm lược nước ta, tấn công lên Hà Giang ông đã kêu gọi người dân trong vùng đứng lên chống lại, được người dân tôn làm Thủ lĩnh. Cảm kích trước tinh thần yêu nước của Vương Chí Sình, Bác Hồ đã kết nghĩa anh em với ông và đặt tên cho ông là Vương Chí Thành. Bác Hồ còn tặng ông một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” và một chiếc áo trấn thủ, chiếc áo này do Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương may tặng Bác Hồ. Từ đó, Vương Chí Sình tuyên truyền vận động người dân một lòng theo Đảng, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu,giã từ cây anh túc, sống định canh định cư, cuộc sống của người H’Mông không còn trầm luân bên bờ mê lú của loài hoa thuốc phiện. Tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta ( năm 1946), ông Vương Chí Sình được bầu là đại biểu Quốc hội. Trước khi về hưu, Vương Chí Sình còn giữ chức chủ tịch huyện Đồng Văn. Vương Chí Sình mất năm 1962 ở Hà Nội và linh cữu được đưa về Hà Giang, an táng tại Phó Bản sau đó được cải táng về khu di tích nhà Vương như hiện nay.

Share