Những điểm du lịch nổi tiếng trên quê hương quan họ

Những điểm du lịch nổi tiếng trên quê hương quan họ

Những điểm du lịch nổi tiếng trên quê hương quan họ
Mùa lễ hội đầu xuân, du khách hãy ghé thăm những mái đình cổ kính, lênh đênh trên dòng sông Cầu, sông Đuống thơ mộng và nghe làn điệu dân ca mượt mà, say đắm lòng người trên đất Bắc Ninh.

Về hội Lim nghe hát quan họ vào hai ngày 12 – 13 tháng Giêng hàng năm trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Đến hội Lim, du khách được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc “bọn” nam, nữ. Khách hành hương, trẩy Hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm… vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền được lưu giữ như một di sản. Trẩy Hội Lim, du khách không thể bỏ qua phần hát hội, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát thường được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.
Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. Cách chơi hội của “người quan họ” vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hoá cao. Sức hấp dẫn của những điệu dân ca ngọt ngào cùng nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc khiến hội Lim đã trở thành một điểm hẹn mỗi độ xuân về, để rồi mỗi du khách ra về ai ai cũng vấn vương câu hát “Người ở đừng về”.

Đền Đô tọa lạc ở ngay làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, đền Đô nguyên là Thái miếu nhà Lý, do Lý Thái Tổ khởi dựng năm 1019. Năm 1030, Thái miếu được Lý Thái Tông nâng cấp, mở rộng thành đền thờ Lý Thái Tổ. Nơi đây thờ 8 vị vua triều Lý. Trải qua gần 900 năm tồn tại, với nhiều lần trùng tu tôn tạo, đền Đô đã trở thành một trong những địa chỉ tiêu biểu nhất của quê hương Kinh Bắc.Lễ hội Đền Đô được tổ chức vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang. Vào ngày lễ này, người dân ở khắp nơi tụ họp, tham gia lễ hội có từ lâu đời để tưởng nhớ về cội nguồn, tưởng nhớ những vị vua đã có công xây dựng đất nước.

Làng cỗ chay Đào Xá: Làng Đào Xá nằm ở phía nam sông Ngũ Huyện Khê, thuộc xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đào Xá còn gọi là Điều Thôn hay làng Đầu. Cỗ chay Đòa Xá nổi tiếng khắp vùng bởi sự độc đáo. Mâm cỗ chay làng Đào được sắp xếp, bày đặt trên mâm đan, bát đàn. Mâm cỗ chay  thường gồm bánh chưng, bánh rợm, bánh rán, bánh cắp, một đĩa giò, 4 bát nấu, 5 bát cháo cái… Tất cả đều làm từ sản phẩm của nhà nông. Trong những món ăn chay nói trên, bánh cắp và cháo cái là hai món đặc trưng, nhất định không thể thiếu trên mâm cỗ mời khách của làng Đào Xá trước đây.
Bánh cắp được làm từ bột gạo nếp xay nhuyễn rồi đem đun cho tới khi bột chín khoảng 70 % mang ra nhào trộn cùng với vỏ cây vông vang và nước quả dành dành để tạo màu vàng (nếu muốn làm bánh đường thì tẩm thêm với nước đường phên). Khi nhào bột phải lăn thành hình cầu rồi đem cán thật mỏng, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế đến khi bột nhuyễn, đạt đến độ mịn, dẻo ưng ý mới nặn thành từng viên bột nhỏ. Những viên bột sẽ được úp vào khuôn sau đó đổ từ khuôn ra, dùng nhíp cắp từng ít bột theo vòng tròn hình chóp (vì thế nên bánh mới có tên gọi là bánh cắp).
Ngoài bánh cắp, Đào Xá còn có món chay là cháo cái được làm bằng gạo tẻ ngon xay nhuyễn thành bột. Bột sau khi đã thấu dẻo đem nắm thành từng nắm nhỏ cho vào luộc. Khi bột gần chín vớt ra bỏ vào cối giã cho quện với nhau. Tiếp đến lại nắm thành từng nắm nhỏ, để ra mâm, dùng chai cán mỏng trên mâm, sau đó thái nhỏ như sợi mì, lấy bột gạo khô rắc vào rồi mang nấu với nước luộc gà.
Cháo cái và bánh cắp là hai món chay được xem như đặc sản để người Đào Xá tiếp đãi, thể hiện tình cảm của mình đối với khách quý.

Làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu, thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách sông Lục đầu khoảng 4 km và có nhiều bến đò ngang tấp nập người qua lại. Với phong cảnh hữu tình, nơi đây có rất nhiều những ngọn núi đẹp và những dòng sông thơ mộng, hiền hòa. Không nhộn nhịp, ồn ã như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội),  làng gốm Phù Lãng mộc mạc với những nếp nhà gạch trần bình dị, mái ngói rêu phong cổ kính ẩn hiện bên con đường làng quanh co. Bóng dáng của gốm tràn ngập khắp nơi: từ những dãy dài lọ, bình, ang, chum, vại, ống điếu, bình vôi xếp gọn hai bên đường đến những hàng rào tường gạch được điểm tô bởi muôn vàn mảnh gốm vụn đủ hình thù, màu sắc. Gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa thanh nhã vừa bền đẹp.

Làng Tranh Đông Hồ chỉ cách Hà Nội khoảng 35 km, là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian.
Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái. Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:

 Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.

Làng Đông Hồ nằm ngay sát bờ sông Đuống, chỉ cách sông một con đê, đó là ý trong câu “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Còn “làng Mái có lịch có lề” thì nghĩa là gì? Tục ngữ Việt Nam có câu: giấy rách phải giữ lấy lề. Chữ lề ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau. Nét dân gian của tranh Đông Hồ nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được làm từ vỏ con điệp trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc của tranh cũng sử dụng các màu tự nhiên từ cây cỏ. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng 3 âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ. Làng còn có các làn điệu dân ca như:

    Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.

Share