Chuyện về lá cờ Tổ quốc 54m2 trên đỉnh Lũng Cú- Hà Giang

Chuyện về lá cờ Tổ quốc 54m2 trên đỉnh Lũng Cú- Hà Giang

Năm 2010, cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, cột cờ Lũng Cú, Hà Giang – một biểu tượng linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc được xây mới uy nghi, bề thế. Cột cờ mới xây cao đến 33,15m, trong đó riêng phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m. Trong thân cột có 135 bậc lên đỉnh; chân cột hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử Việt Nam.

Cách đây 10 năm, trong một dịp lên Lũng Cú – xã biên cương được mệnh danh là… “nóc nhà Việt Nam” nằm trên độ cao hơn mặt biển gần 2 ngàn mét, mà nhiều người gọi là… “chóp nón”, còn cụ Nguyễn Tuân thì dùng từ “tột bắc” này, tôi vô cùng xúc động. Trong một bài ký, nhà thơ Vũ Duy Thông cho rằng: “Là người Việt Nam, nếu chưa một lần được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó…”. Tôi thì trong lần đầu tiên đặt chân đến Lũng Cú, sau khi trèo muốn hụt hơi để đến được dưới chân cột cờ, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió đã không ngăn nổi niềm cảm xúc trào dâng mãnh liệt.

Đó là ngày Quốc khánh (2-9-2002), ngoài lá cờ rộng 54m bay phần phật trên đầu, cả một dãy biên cương vùng cao núi đá rợp một màu cờ đỏ của bà con các dân tộc. Trong tôi lúc ấy dạt dào niềm tự hào về một truyền thuyết được nhiều người biết trên mảnh đất địa đầu gian khó. Theo đó, sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung cho đặt một chiếc trống đồng ở trạm gác tột cùng vùng biên ải này nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia, đồng thời làm hiệu lệnh xuất binh. Qua nhiều thời đại, chiếc trống đồng trong trạm gác trên đỉnh núi Rồng được thay bằng lá cờ Tổ quốc. Và cột cờ dù bằng tre hay gỗ vẫn vững vàng, hiên ngang cắm trên nóc nhà Tổ quốc, tạo ra biểu tượng thiêng liêng mà mọi người dân Việt đều ước ao trong đời được một lần đặt chân lên đỉnh Lũng Cú.

Mãi đến năm 1978, Hà Giang xác định Lũng Cú là địa bàn trọng yếu của Đồng Văn và chỉ đạo mở con đường từ xã Ma Lé lên Lũng Cú. Công việc làm đường trên cao nguyên đá nơi mà “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng” còn người dân thì “thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày” như Đồng Văn tưởng chừng như không tưởng. Thế nhưng không ngờ với sáng kiến khoán cho mỗi hộ dân san một đoạn đường bằng… cái nền nhà, con đường đã xuất hiện. Để đánh dấu cho sự kiện trọng đại này, nhân lễ thông xe có cả lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh về dự. Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Hùng Đình Quý trong ban chỉ đạo mở đường đã cho chọn một cây samu thẳng tắp khênh ngược lên đỉnh núi dựng làm cột treo cờ. Và để cho ai cũng nhìn thấy được lá cờ, huyện và xã huy động thợ may lá cờ thật to, có kích thước 6x9m, có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong cả nước.

Vào lúc 16 giờ ngày 11-1-1978, ông Hùng Đình Quý và ông Ly Sìa Pó, Phó chủ tịch UBND xã Lũng Cú được vinh dự đứng ra… thượng kỳ. Kể từ đó, lá cờ Tổ quốc 54m2 luôn tung bay trên đỉnh Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú đã trải qua rất nhiều lần được trùng tu, xây mới, nhưng lá cờ thì vẫn giữ nguyên diện tích 54m2. Lá cờ được treo trong ngày lễ thông xe đường vào Lũng Cú nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Có dịp đi du lịch Hà Giang, các bạn ghé bảo tang để tận mắt nhìn thấy lá cờ đó nhé

Share